CHƯƠNG TRÌNH VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI CẤP CỞ SỞ (GGP) LÀ GÌ?

2024/6/19
 Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là GGP) là chương trình được bắt đầu thực hiện vào năm 1989, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nước đang phát triển. Trong khuôn khổ chương trình này, các cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại nước ngoài đóng vai trò trung tâm tiến hành viện trợ cho các dự án có quy mô tương đối nhỏ (trên nguyên tắc, giá trị dự án dưới 20,000,000 Yên Nhật) được thực hiện bởi các tổ chức như chính quyền địa phương, cơ quan giáo dục, cơ quan y tế, hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế và địa phương đang hoạt động tại các nước đang phát triển. Khác với dư án thông thường, đặc điểm của các dự án trong chương trình này là có thể thực hiện trong thời gian tương đối ngắn.
 Từ năm 1995, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình GGP cho 26 tỉnh thành phía Nam (từ tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên trở vào phía Nam). Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng cộng đã có 226 dự án (với tổng giá trị viện trợ 18,129,160 USD) được thực hiện.
 
Đối tượng nhận viện trợ: Các tổ chức phi lợi nhuận như tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế và địa phương, chính quyền địa phương, cơ quan y tế, cơ quan giáo dục.
 
Khu vực áp dụng: 26 tỉnh thành phía Nam (từ tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên trở vào phía Nam).
(Các tỉnh từ Gia Lai, Bình Định trở ra phía Bắc thuộc khu vực do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phụ trách)
 
Lĩnh vực thuộc đối tượng viện trợ: Thực hiện viện trợ ưu tiên cho các lĩnh vực thuộc nhu cầu cơ bản của con người (Basic Human Needs) và các lĩnh vực quan trọng theo quan điểm đảm bảo an toàn cho người dân như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường sống. Trọng tâm là các dự án mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương, các dự án có thể phát huy hiệu quả đặc biệt cao nhờ vào viện trợ quy mô nhỏ, các dự án có tính nhân đạo cần được viện trợ kịp thời.
 
Lĩnh vực NGOÀI đối tượng viện trợ
(1)   Dự án không có mục đích phát triển kinh tế xã hội của nước và địa phương sở tại
(2)   Dự án không thể hiện được rõ ràng những lợi ích trực tiếp cho địa phương và người dân địa phương.
(3)   Dự án có bao gồm mục đích chính trị hoặc quảng bá tôn giáo
(4)   Dự án được công nhận là sử dụng cho mục đích quân sự
(5)   Dự án liên quan đến các sản phẩm phi thiết yếu có khả năng tổn hại sức khỏe con người (như rượu, thuốc lá)
 
Hạn mức viện trợ: Trên nguyên tắc là dưới 20,000,000 Yên Nhật
 
Kinh phí thuộc đối tượng viện trợ:
Các kinh phí cần thiết trực tiếp để thực hiện dự án như phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị (bao gồm cả các kinh phí như chi phí liên quan đến thành tố mềm (soft components) hoặc chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ để đơn vị tiếp nhận có thể thao tác và sử dụng các thiết bị và cơ sở vật chất được viện trợ).
 
Kinh phí NGOÀI đối tượng viện trợ
(1)   Phí vận hành và quản lý các hoạt động thường xuyên của đơn vị nhận viện trợ (chi phí văn phòng, lương nhân viên, …)
(2)   Phí dự phòng để thực hiện dự án
(3)   Phí cho các hoạt động sinh lợi cho cá nhân hoặc doanh nghiệp nào đó
(4)   Vốn và vật phẩm (như học bổng, nhà ở, quần áo, …) được cấp cho một cá nhân cụ thể với mục đích trở thành vốn và tài sản trực tiếp của cá nhân đó (Trừ trường hợp viện trợ nhân đạo khẩn cấp khi có thiên tai). Ngoài ra phí lắp đặt, trang bị hệ thống đường ống dẫn nước hoặc đường dây điện dẫn tới từng hộ dân trong các dự án cấp nước hay dự án điện cũng không thuộc đối tượng được viện trợ.
(5)   Phí cho các sản phẩm phi thiết yếu có khả năng tổn hại sức khỏe con người (như rượu, thuốc lá)
(6)   Phí cho các nghiên cứu mà không có hiệu quả trực tiếp rõ ràng cho phát triển địa phương.
 
Ngoài ra, các loại hàng hóa và chi phí dưới đây, trên nguyên tắc cũng KHÔNG thuộc đối tượng viện trợ:
(1)     Các loại chi phí cho việc quản lý vận hành
(2)     Phí bảo trì, bảo dưỡng công trình, thiết bị, hàng hóa được viện trợ
(3)     Vaccine
(4)     Các loại hàng hóa, vật tư tiêu hao, các loại vật dụng nhỏ
(5)     Sách báo các loại (như sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại sách có trong thư viện, …)
(6)     Các loại xe thông thường (như các loại xe có tính phổ thông cao và có thể dùng cho mục đích cá nhân, …)
(7)     Các loại thiết bị điện tử (như máy vi tính, …)
(8)     Các loại phí ngân hàng (như phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí chuyển khoản, …)
(9)     Các loại lệ phí là nguồn thu nhập của chính phủ và chính quyền địa phương (như lệ phí cấp phép hoạt động, lệ phí đăng ký phương tiện, …)
(10)   Các loại thuế liên quan đến nhập khẩu hàng hóa (như thuế nhập khẩu, …)
 
Thời gian thực hiện dự án: Trong vòng 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng viện trợ
 
Địa chỉ liên hệ:
Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ban Kinh tế - Hợp tác kinh tế, Phòng phụ trách viện trợ GGP
Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 028-3933-3510 (Ext. 414, 415)
FAX:028-3933-3523